Ý nghĩa lịch sử Chiến tranh Kim – Tống

Những thay đổi về văn hóa và nhân khẩu học

Từ lãnh thổ phía đông bắc nhà Kim, người Nữ Chân đã tới định cư tại những vùng đất mà họ mới kiểm soát được ở miền bắc Trung Quốc. Chỉ chiếm chưa đến 10% dân số, hai đến ba triệu người Nữ Chân cầm quyền trở thành một dân tộc thiểu số ở một khu vực vẫn còn bị áp đảo bởi 30 triệu người Hán.[1] Sự bành trướng về phía nam của người Nữ Chân đã khiến nhà Kim chuyển đổi từ một chính quyền phi tập trung của các bộ lạc bán nông nghiệp thành một triều đại quan liêu kiểu Hán.[109]

Một huy chương có chữ Nữ Chân văn, một trong ba loại chữ viết hành chính của nhà Kim

Ban đầu, triều đình nhà Kim định thúc đẩy một nền văn hóa Nữ Chân độc lập, song hành với việc áp dụng bộ máy quan liêu đế quốc tập trung kiểu Hán. Tuy nhiên, theo thời gian, đế quốc Kim đã dần bị Hán hóa. Người Nữ Chân bắt đầu thông thạo tiếng Hán, và sử dụng triết lý Nho giáo để hợp pháp hóa chính quyền cai trị.[1] Từ thời Kim Hi Tông (1135–1150), phép tắc nhà nước theo chuẩn Nho giáo đã được áp dụng trong triều đình.[159] Các kỳ khoa cử cũng được nhà Kim tổ chức, lúc đầu hạn chế trong từng khu vực rồi sau đó được mở rộng ra toàn đế quốc.[160] Tứ thư, Ngũ kinh cùng các tác phẩm văn học của người Hán đã được dịch sang tiếng Nữ Chân và được giới tri thức trong nước nghiên cứu. Trong khi đó, có rất ít người Nữ Chân đóng góp tích cực cho nền văn học cổ điển nước nhà.[161] Hệ thống chữ quốc ngữ của nhà Kim có tên gọi Nữ Chân văn, được hình thành trên cơ sở Khiết Đan tiểu tự thuộc họ Hán tự. Cả ba loại chữ viết kể trên đều là chữ viết hành chính trong triều đình nhà Kim.[162] Bên cạnh tên gốc, các thị tộc Nữ Chân còn chọn cho mình một cái tên riêng bằng tiếng Hán.[163] Hoàn Nhan Lượng (Kim Hải Lăng vương; cai trị 1150–1161) nhiệt tình ủng hộ và đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích công cuộc Hán hóa người Nữ Chân. Ngay từ thời thơ ấu, Hoàn Nhan Lượng đã tiếp thu văn hóa của người Hán thông qua các sứ thần nhà Tống. Việc mô phỏng các tập quán của nhà Tống đã khiến ông bị người Nữ Chân gọi là kẻ "bắt chước người Hán". Hoàn Nhan Lượng say mê nghiên cứu các tác phẩm kinh điển của người Hán, uống trà và chơi cờ tướng để giải trí. Dưới thời cai trị của ông, trung tâm hành chính của nhà Kim ở Huệ Ninh được chuyển dời về phía nam. Năm 1153, Hoàn Nhan Lượng chọn Bắc Kinh làm thủ đô chính của vương triều. Ông cho xây dựng các cung điện mới ở Bắc Kinh và Khai Phong đồng thời phá hủy các dinh thự ban đầu của các thủ lĩnh Nữ Chân ở phía bắc.[164]

Các cải cách chính trị của Hoàn Nhan Lượng được kết nối với mong muốn chinh phục toàn cõi Trung Hoa, và hợp pháp hóa bản thân ông trong vai trò một hoàng đế người Hán thực thụ.[111] Viễn cảnh chinh phục miền nam Trung Quốc của nhà Kim, chấm dứt sớm hơn dự kiến sau khi Hoàn Nhan Lượng bị ám sát.[120] Người kế vị Hoàn Nhan Lượng, Kim Thế Tông, ít mặn mà hơn với công cuộc Hán hóa, và đã tiến hành đảo ngược một số sắc lệnh của hoàng đế tiền nhiệm. Kim Thế Tông phê chuẩn một vài chính sách mới với mục đích làm chậm quá trình đồng hóa người Nữ Chân.[122] Kim Chương Tông (cai trị 1189–1208) đã bãi bỏ các giới luật cấm của Thế Tông, khi ông tái cấu trúc bộ máy chính trị của vương triều gần với các triều đại Đường và Tống.[165] Bất chấp những thay đổi về văn hóa và nhân khẩu học, tình trạng thù địch quân sự giữa nhà Kim và nhà Tống vẫn luôn thường trực mãi cho tới khi nhà Kim diệt vong.[1]

Ở phía nam, cuộc di tản của nhà Tống đã dẫn đến những thay đổi lớn về nhân khẩu học. Số dân tị nạn từ miền bắc đến tái định cư ở Lâm An và Tĩnh Khang (Hàng Châu và Nam Kinh ngày nay), cuối cùng đã nhiều hơn cả dân số bản địa vốn đã giảm dần do các đợt tấn công lặp đi lặp lại của người Nữ Chân.[166] Chính phủ khuyến khích nông dân từ các tỉnh miền nam đến tái định cư tại những vùng lãnh thổ thưa dân nằm giữa sông Dương Tử và sông Hoài.[166]

Kinh đô mới Lâm An phát triển thành một trung tâm thương mại và văn hóa tầm cỡ. Nó vươn mình từ một thành phố tầm trung, không quá quan trọng, trở thành một trong những đô thị bề thế, thịnh vượng nhất thế giới. Trong thời gian sống tại Lâm An vào triều đại nhà Nguyên (1260–1368), khi nơi đây đã không còn giàu có như dưới thời nhà Tống, Marco Polo vẫn phải nhận xét rằng "thành phố này vĩ đại hơn bất kỳ thành phố nào khác trên thế giới".[167] Sau khi mục tiêu giành lại miền bắc trở nên phi thực tế hơn và Lâm An đã là một thành phố thương mại quan trọng, triều đình nhà Tống quyết định mở rộng, cải tạo các công trình hành chính để Lâm An tương xứng với địa vị của một kinh đô. Hoàng cung vốn có kích thước khiêm tốn được tu bổ khang trang hơn vào năm 1133 với những con hẻm phủ mái ngói mới, và vào năm 1148 với các bức tường được mở rộng.[168]

Việc nhà Tống đánh mất miền bắc Trung Quốc, trung tâm văn hóa của nền văn minh Trung Hoa, khiến vị thế khu vực của đế quốc này bị giảm sút. Sau khi người Nữ Chân chinh phục thành công phương bắc, Cao Ly đã thừa nhận nhà Kim, chứ không phải nhà Tống, là một triều đại Trung Hoa chính danh. Những thất bại quân sự liên tục đã biến nhà Tống trở thành chư hầu của nhà Kim, khiến nhà Tống chỉ còn là một nước "Trung Quốc trong các nước ngang hàng".[169] Tuy nhiên, sau khi di tản về phương nam, kinh tế nhà Tống vẫn phục hồi nhanh chóng. Doanh thu của triều đình từ việc đánh thuế ngoại thương trong những năm 1160, cuối thời Tống Cao Tông, đã tăng gần gấp đôi so với thời điểm nhà Bắc Tống diệt vong vào năm 1127.[170] Sự phục hồi trên khắp đế quốc là không đồng đều, những khu vực bị chiến tranh tàn phá trực tiếp như Hoài Nam và Hồ Bắc, đã phải mất hàng thập kỷ mới có thể trở lại trạng thái như trước lúc xung đột.[171] Bất chấp rất nhiều cuộc giao tranh, nhà Kim vẫn là một trong những đối tác thương mại chính của nhà Tống. Nhu cầu của nhà Tống đối với các loại hàng hóa nhập khẩu như lông thú và ngựa vẫn không thuyên giảm. Sử gia Shiba Yoshinobu (sinh. 1930) tin rằng hoạt động buôn bán của Nam Tống với phương bắc đã đem lại lợi nhuận đủ để bù đắp số bạc mà họ phải cống nạp cho nhà Kim hàng năm.[172]

Chiến tranh Kim–Tống là một trong số những cuộc chiến ở miền bắc Trung Quốc, cùng với Ngũ Hồ loạn Hoa, Loạn An Sử, Loạn Hoàng Sào, và các trận chiến trong giai đoạn Ngũ đại Thập quốc, đã gây ra những cuộc di cư ồ ạt của người Hán, từ miền bắc tới miền nam, được gọi chung với cái tên y quan nam độ.[lower-alpha 9][174][175][176] Năm 1126–1127, hơn nửa triệu người đã chạy trốn từ bắc vào nam Trung Quốc bao gồm cả Lý Thanh Chiếu.[177] Diễn Thánh công Khổng Đoan Hữu đã dẫn dắt một bộ phận gia tộc Khổng Tử, di tản xuống phía nam đến Cù Châu theo Tống Cao Tông. Trong khi đó, em trai của Khổng Đoan Hữu là Khổng Đoan Thao, vẫn ở lại Khúc Phụ và trở thành Diễn Thánh công cho nhà Kim. Một số thành viên gia tộc Tăng Tử di cư xuống phương nam theo Nam Tống, số khác thì chọn ở lại phương bắc.

Tuy nhiên, cũng có một vài đợt di cư theo chiều ngược lại mỗi khi chiến loạn kết thúc. Người Hán từ Nam Tống chuyển đến sống ở miền bắc nơi nhà Kim đang cai trị, khiến dân số miền nam giảm xuống còn dân số miền bắc thì lại tăng lên.[178]

Chiến tranh thuốc súng

Hỏa thương, một tổ tiên xa xưa của súng cầm tay, được ghi nhận sử dụng lần đầu trong trận vây hãm Đức An năm 1132, hình minh họa trong sách Hỏa Long Kinh[lower-alpha 10], đời nhà Minh.[179]

Những trận chiến giữa nhà Tống và nhà Kim đã thúc đẩy hoạt động sử dụng cũng như phát minh các loại vũ khí thuốc súng. Có những báo cáo ghi nhận rằng hỏa thương, một trong những tổ tiên xa xưa nhất của súng cầm tay, từng được quân Tống sử dụng để chống lại người Nữ Chân khi quân Kim vây hãm Đức An (An Lục, phía đông Hồ Bắc ngày này) vào năm 1132, trong chiến dịch xâm lược Hồ Bắc và Thiểm Tây.[180] Loại vũ khí này có cấu tạo gồm một ngọn giáo gắn với một súng phun lửa, có thể phóng lửa từ nòng súng làm bằng tre hoặc giấy.[181] Hỏa thương được chế tạo bởi những binh lính dưới trướng Trần Quy, người chỉ huy quân Tống trấn thủ Đức An.[182] Quân Tống sử dụng hỏa thương để phá hủy các vũ khí công thành bằng gỗ của quân Kim chứ không phải để chiến đấu với bộ binh.[183] Họ luôn chọn thời điểm thích hợp, khi các vũ khí công thành của quân Kim đã nằm trong tầm bắn, rồi mới khai hỏa, để khắc phục những hạn chế về phạm vi tấn công và mức độ linh hoạt của hỏa thương.[184] Sau này, hỏa thương được cải tiến với nòng kim loại, bắn xa hơn, mạnh hơn, và có thể dùng để chạm trán với bộ binh.[181]

Bom phích lịch hỏa cầu ở Thái Thạch chứa hỗn hợp vôi và thuốc súng.

Bom mìn thô sơ thời kỳ đầu như hỏa pháo (火礮) dạng bom lửa và hỏa pháo (火砲) dùng cho máy phóng đối trọng, cũng đã được sử dụng với vai trò vũ khí gây cháy. Trong cuộc vây hãm Khai Phong lần thứ nhất, quân Tống từng thủ thành bằng hỏa pháo (火礮).[185] Ở bên kia chiến tuyến, người Nữ Chân ném bom cháy từ tháp công thành của họ xuống các thành phố phía dưới.[186] Năm 1127, hỏa pháo (火礮) được cả quân Tống lẫn quân Kim sử dụng trong trận vây hãm Đức An. Một viên quan triều đình tên là Lâm Chi Bình, đã đề xuất ý tưởng trang bị bắt buộc bom lửa và hỏa tiễn cho tất cả tàu chiến của thủy quân nhà Tống. Trong trận Thái Thạch năm 1161, tàu chiến của quân Tống đã bắn phích lịch hỏa cầu, còn gọi là phích lịch hỏa pháo, bằng máy phóng đối trọng, vào mục tiêu là các tàu chiến của quân Kim do Hoàn Nhan Lượng chỉ huy.[187] Hỗn hợp trộn thuốc súng có chứa vôi bột trong mỗi quả bom, tạo ra một làn khói mờ mịt mỗi khi bom phát nổ.[188] Trong trận Đường Đảo cùng năm, quân Tống tiếp tục cho triển khai các loại vũ khí cháy.[189]

Năm 1206, quân Tống đóng ở Tương Dương từng kết hợp thuốc súng với các mũi tên. Loại vũ khí này có khả năng chỉ là một dạng vũ khí gây cháy đơn thuần, nhưng cũng có thể có chức năng giống như một tên lửa sơ khai.[190] Khi vây hãm Kỳ Châu vào năm 1121, người Nữ Chân đã sử dụng cả cung tên truyền thống lẫn bom thuốc súng trên chiến trường. Thiết hỏa pháo của nhà Kim có phần vỏ được làm bằng gang, là loại bom vỏ cứng đầu tiên được biết đến. Nó có sức bộc phá đủ mạnh để xuyên qua lớp vỏ sắt. Quân Tống cũng sở hữu lượng lớn bom nổ, nhưng không có báo cáo nào về việc họ có vũ khí tương tự như thiết hỏa pháo của quân Kim.[191] Theo tường thuật của một người từng tham gia trận vây hãm Kỳ Châu trong Tân Tỵ Khấp Kỳ Lục, kho vũ khí của quân Tống có tới 3.000 hỏa pháo (火礮); 7.000 hỏa tiễn gắn thuốc súng dành cho nỏ, 1 vạn dành cho cung tên; và 2 vạn bì đại pháo (có lẽ là túi da chứa đầy thuốc súng).[191]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến tranh Kim – Tống http://xh.5156edu.com/html5/53525.html //doi.org/10.1017%2FS0041977X02000320 //doi.org/10.2307%2F2646446 //www.jstor.org/stable/2646446 http://www.npm.gov.tw/hotnews/9910seminar/download... https://books.google.com/books?id=3SmKDwAAQBAJ&q=s... https://books.google.com/books?id=6D4attcqvOQC&q=5... https://books.google.com/books?id=6XfRAgAAQBAJ&pg=... https://books.google.com/books?id=IdYGiGan4o8C&pg=... https://books.google.com/books?id=YQMUNgAACAAJ